GIAO MÙA TRẺ HAY MẮC BỆNH GÌ??
Thời tiết giao mùa là điều kiện thuận lợi cho virus, vi khuẩn phát triển. Các virus, vi khuẩn này có trong giọt bắn của người bệnh khi hắt hơi hoặc ho. Nếu giọt bắn vô tình dính vào mắt, mũi hoặc miệng của trẻ sẽ khiến trẻ bị lây bệnh.
Dưới đây là những bệnh lúc giao mùa trẻ dễ mắc phải khi đi học, cha mẹ và những người chăm sóc trẻ cần lưu ý để có biện pháp phòng tránh:
1 Cúm
Cúm có thể coi là bệnh phổ biến ở mọi lứa tuổi. Cúm do virus cúm gây ra, phát triển mạnh mẽ vào mùa mưa và thường tấn công vào hệ hô hấp của con người.
Một số triệu chứng điển hình của cúm là hắt hơi, chảy nước mũi, sốt, ớn lạnh người, đau nhức đầu,... Bệnh cúm lây lan rất nhanh thông qua các giọt bắn vào không khí sau đó xâm nhập vào đường mũi họng.
Hầu hết các triệu chứng của cúm có thể tự hết sau vài ngày ở những người có sức đề kháng khỏe. Tuy nhiên, với những người sức đề kháng yếu và trẻ em thì các triệu chứng có thể trở nên nặng hơn.
Nếu quan sát thấy trẻ có biểu hiện sốt cao, khó thở,... nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám, điều trị.
2 Tay chân miệng
Là một trong những bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ mắc và tử vong tương đối cao tại Việt Nam, bệnh tay chân miệng đã trở thành nỗi sợ của không ít các bậc cha mẹ.
Tay chân miệng thường được nhận biết thông qua các phỏng nước ở bàn tay, bàn chân. Đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh là trẻ nhỏ dưới 5 tuổi vì hệ miễn dịch của trẻ còn yếu dễ bị virus, vi khuẩn tấn công.
Bệnh có tốc độ lây lan nhanh chóng và hiện tại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu mà chỉ có thuốc điều trị triệu chứng như sốt, đau...
3 Viêm phổi
Thời tiết giao mùa kết hợp với việc thay đổi môi trường sống, học tập đã tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus có cơ hội sinh sôi, phát triển gây ra nhiều loại bệnh khác nhau, trong đó có bệnh viêm phổi.
Viêm phổi là tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp do các tác nhân như virus cúm, phế cầu khuẩn, vi khuẩn Hib,... khiến cho phổi bị tổn thương. Bệnh được đánh giá là có khả năng gây tử vong ở trẻ em, đặc biệt bệnh tiến triển tương đối nhanh nên việc phát hiện và điều trị sớm sẽ giúp người bệnh tránh khỏi những di chứng.
4 Bệnh về tiêu hóa
Khi đi học, trẻ không chỉ dễ bị mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp mà còn có thể mắc một số bệnh liên quan đến đường tiêu hóa như rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy.
Bệnh có thể xảy ra với mọi lứa tuổi nhưng trẻ em mầm non là đối tượng dễ bị bệnh do hệ tiêu hóa còn non yếu, dễ chịu tác động từ các yếu tố bên ngoài. Khi mắc các bệnh về tiêu hóa, sức khỏe của trẻ có thể suy giảm nhanh do khó hấp thụ các chất dinh dưỡng.
Vì thế, nếu trẻ mắc phải, cha mẹ cần lưu ý đến chế độ dinh dưỡng của trẻ và đưa trẻ đến các cơ sở y tế để khám và điều trị, không nên tự ý dùng thuốc.
5. Biện pháp phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết
Qua vật trung gian là muỗi vằn, bệnh sốt xuất huyết có thể lây truyền từ người sang người. Vậy nên để phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết hiệu quả nhất, cần thực hiện các biện pháp sau:
Vệ sinh sạch sẽ, thoáng đãng nơi ở, môi trường sống, sinh hoạt
Thu gom, tiêu hủy những vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà
Không tích trữ nước trong nhà, đậy kín các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng
Phát quang bụi rậm quanh nhà, ngoài vườn
Xử lý nguồn nước, khơi thông cống rãnh xung quanh nhà
Ngủ màn để tránh bị muỗi đốt
Đốt nhang muỗi, dùng vợt muỗi, phun thuốc diệt muỗi để tiêu diệt muỗi vằn
Sử dụng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi ở vị trí các ô thoáng, cửa sổ, cửa ra vào
Sử dụng thuốc bôi ngoài da, mặc quần áo dài tay để tránh muỗi đốt
Người mắc bệnh sốt xuất huyết cần được nằm ngủ trong màn, tránh muỗi đốt lây bệnh sang người khác